Bài Viết Liên Quan
Cuốn sách “Phương pháp Montessori: Nghệ thuật nuôi dạy trẻ đỉnh cao” được biên soạn để giúp các bậc phục huynh có phương pháp để giúp những đứa trẻ lớn lên theo phương pháp Montessori sẽ là những đứa trẻ tự tin độc lập, phát triển toàn diện và cảm nhận cuộc sống với một thái độ trân trọng và hạnh phúc.
Trong lịch sử nền giáo dục, những nhà giáo dục được mọi người biết đến như Montessori là không nhiều. Chỉ có duy nhất phương pháp giáo dục Montessori có thể vượt qua sự khác biệt về lãnh thổ, thế giới quan, tôn giáo để nhanh chóng được phổ biến trên thế giới.” Sở dĩ phương pháp giáo dục Montessori có thể gây ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống giáo dục trên thế giới là do bà dựa trên cơ sở đúc kết những tư tưởng giáo dục theo chủ nghĩa tự nhiên của Rousseau, Pestalozzi, Froebel để hình thành quan điểm về trẻ em mang tính cách mạng của riêng mình. Bà cho rằng, từ khi sinh ra trẻ em đã có một “sức sống nội tại” rất tích cực và không ngừng phát triển. Nó mang trong mình sức mạnh vô biên.
Nhiệm vụ của giáo dục là giúp trẻ em phát huy được “sức sống nội tại” đó để nó phát triển một cách tự nhiên và tự do theo một quy luật riêng. Bà cho rằng, không nên đối xử với trẻ em như thể chúng là một vật thể, mà nên đối xử với chúng như con người. Trẻ em không phải cái kho để người lớn và thầy cô giáo nhồi nhét mọi thứ vào. Trẻ em không phải là sáp hoặc bùn để có thể nhào nặn tùy ý, không phải tấm gỗ có thể khắc gì lên trên cũng được, không phải cái cây để cha mẹ và thầy cô giáo vun trồng, cũng không phải loài vật được nuôi dưỡng
Dựa vào tài liệu quan sát và thực nghiệm tại “Ngôi nhà trẻ thơ”, bà Montessori đã đưa ra một loạt các quy luật có liên quan đến việc phát triển của trẻ em. Tiêu biểu như: Quá trình phát triển của trẻ em có tính giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất (từ 0 đến 6 tuổi) là giai đoạn hình thành tâm lý của trẻ em. Trong đó, từ mới sinh đến 3 tuổi là “giai đoạn phôi thai tâm lý”.
Trong giai đoạn này, trẻ không có các hoạt động tâm lý có ý thức mà chúng chỉ có thể tiếp xúc với thế giới bên ngoài một cách vô thức. Giai đoạn còn lại là giai đoạn hình thành tính cách, trẻ em chuyển dần từ vô thức sang có ý thức, khả năng ghi nhớ, hiểu và tư duy dần hình thành, mối liên hệ giữa các hoạt động tâm lý cũng từng bước được tạo nên, đặc điểm tâm lý tính cách cũng xuất hiện. Giai đoạn thứ hai (từ 6 đến 12 tuổi) là giai đoạn tâm lý trẻ phát triển tương đối ổn định. Giai đoạn thứ ba (từ 12 đến 18 tuổi) là giai đoạn có những thay đổi lớn và từng bước trưởng thành.