Phật Lục

Giới thiệu nội dung cuốn sách “Phật Lục” của tác giả Trần Trọng Kim:
PHẬT-LỤC là sách nói về truyện nhà Phật. Sách này không phải là sách bàn về lý-thuyết cao-siêu của đạo Phật, mà cũng không phải là sách nói về lịch-sử rất phức-tạp của đạo Phật.

Đạo Phật sâu rộng vô cùng, không thể lấy cái học-thức thô-thiển và cái ý-kiến tầm-thường mà bàn luận cho tinh-tường được.

Song vì chúng tôi thấy nhiều người tuy nói là tín-đồ nhà Phật, nhưng ngoài mấy câu kinh câu kệ và sự đi đến chùa lễ-bái để cầu phúc cầu đức ra, hỏi đến Phật, đến Bồ-tát là thế nào, thì chưa hầu dễ đã có mấy người biết rõ mà nói được. Thậm chí đến cách bài-trí ở trong chùa, thấy có tượng thì gọi là tượng Phật, tượng Thánh mà thôi, chứ không biết đích-xác là ngôi tượng nào thờ vị nào, và bày ra như thế là có ý-nghĩa gì.

Chúng tôi thấy thế, cho nên mới làm ra quyển sách nhỏ này, nói lược qua mấy cái đại ý về đạo cứu-thế của nhà Phật cùng cái ý-nghĩa thờ-phụng chư Phật và chư Bồ-tát ở trong chùa, để giúp thêm cho sự hiểu-biết của các tín-đồ và họa may có bổ-ích được một đôi chút cho những người muốn biết đại khái đạo Phật là thế nào chăng.

Cái mục-đích sách PHẬT-LỤC này chỉ thiển-cận như thế thôi. Nhưng lúc làm, chúng tôi cũng đã kê-cứu cẩn-thận và có nhờ ông NGUYỄN TRỌNG THUẬT tìm giúp các điển-tích để tránh khỏi sự sai lầm.

Vậy xin có lời cảm tạ ông THUẬT, và mong rằng cái việc làm này, tuy nhỏ mọn, nhưng cũng không đến nỗi vô ích cho sự Phật-học của nước nhà.

T.T.K

***

Chữ Phật 佛 là tiếng gọi tắt chữ Phật-đà 佛陀 dịch theo âm chữ phạm Bouddha. Lấy cái nghĩa chân-đế 真諦 là cái nghĩa chân-thực tuyệt-đối 1 mà xét, thì Phật là hoàn-toàn chân-tính, chân-như bất sinh, bất diệt, độc nhất vô nhị ở trong vũ-trụ. Cái chân-tính ấy thường gọi là Pháp-thân 2, tức là phần sáng tỏ thiêng-liêng, vạn vật nhờ đó mà có, rồi chung qui lại quay về đó. Theo cái nghĩa chân-đế ấy thì chỉ có một Phật chứ không có hai, nhưng lấy cái nghĩa tục-đế 俗諦 là cái nghĩa luân-chuyển tương-đối 3 của sự báo-ứng biến-hóa mà người ta có thể hiểu biết được mà xét, thì Phật là giác-giả 覺著, tức là cái danh-hiệu để gọi những bậc có trí-tuệ cực minh-triệt 4, cực cao-siêu, hiểu thấu hết thảy mọi sự mọi vật ở trong vũ-trụ. Những bậc ấy đã chứng được cái pháp-thân chân-thực, vượt qua khỏi cuộc luân-hồi biến-hóa, và lại đem sự hiểu biết của mình mà tuyên truyền ra để tế-độ chúng sinh, cứu vớt các giống hữu tình 5 ở chốn hôn-mê, đưa sang bến giác-ngộ yên-lặng.

Theo cái nghĩa « tục-đế » ấy, thì Phật không phải là cái danh-hiệu để gọi riêng một vị nào, nhưng để gọi chung hết thảy những bậc đã tu thành chính quả viên-mãn, không sót chút gì là mờ-đục ngại-trở và không mắc tí nào vào trong sự biến-hóa vô-thường nữa.

Vậy theo « chân-đế », thì ở trong vũ-trụ chỉ có một pháp-thân, mà theo « tục-đế » thì cái Pháp-thânbiến hiện ra nhiều báo-thân và ứng-thân cho nên mới nói rằng từ đời vô-thủy đến nay có Hằng-hà sa số Phật. 6

Nay theo lịch-sử thì người đã thành Phật và đã sáng lập ra đạo Phật là đức Thích-ca mầu-ni. Khi Ngài đã đắc đạo rồi, Ngài đem đạo-lý dạy người ta biết bởi đâu mà có thế-gian và vạn vật, và tại sao mà có sự khổ-não ở đời, rồi Ngài chỉ bảo cho mọi người tự mình nên lấy cái bản-tính sáng-suốt mà phá tan cái mờ-tối, để giải-thoát ra ngoài luân-hồi sinh tử. Đến khi ngài diệt độ, nghĩa là Ngài đã về chỗ chân-như yên-lặngrồi, các đồ-đệ làm tượng Ngài thờ như lúc sống. Bởi vậy mới thành ra có sự thờ-phụng ở các chùa.

Về sau dần dần số tín-đồ nhiều ra, đạo-lý mỗi ngày một mở rộng. Trong số tín-đồ, có phái tu theo cái nghĩa tiểu-thặng, cố tu-hành để giải-thoát lấy mình ; có phái tu theo cái nghĩa đại-thặng, lấy lòng từ-bi bác-ái mà tu-hành, không những là để cứu mình mà lại còn lo cứu người. Tiểu-thặng là cỗ xe nhỏ chỉ chở được một người, đại-thặng là cỗ xe lớn chở được nhiều người. Dùng sang nghĩa bóng là nói một phái tu lấy tự giác, tự lợi 7 ; một phái tu để tự giác giác tha 8. Cái nghĩa của hai phái Tiểu-thặng và Đại-thặng khác nhau là thế.

Phái Tiểu-thặng tuy cũng nhận có nhiều Phật khác, nhưng chỉ riêng thờ một đức Thích-ca mà thôi. Phái Đại-thặng thì không những thờ đức Thích-ca và đức A-di-đà, mà lại thờ cả các vị Bồ-tát, là những bậc đã tu đắc đạo, nhưng chưa được viên-mãn 9 như chư Phật. Các vị Bồ-tát đều có công-đức lớn ở lại trong thế-gian mà tế-độ chúng sinh. Vì thế, sự thờ-phụng và đạo-lý của hai phái Tiểu-thặng và Đại-thặng có nhiều chỗ không giống nhau.

Đạo Phật ở nước Việt-nam ta, thuộc về phái Đại-thặng, cho nên ta cần phải biết rõ danh-hiệu và sự tích của chư Phật và chư Bồ-tát cùng các vị thần thánh thờ ở trong các chùa.

Sách này chia ra làm năm mục : Mục đầu nói về Phật-tổ là đức Thích-ca mầu-ni Phật cùng thập đại-đệ-tử ; mục thứ hai nói về chư Phật ; mục thứ ba nói về chư Bồ-tát ; mục thứ tư nói về thế-gian và thế-giới ở trong không-gian và thời-gian ; mục thứ năm nói về các tượng và cách bài-trí ở các chùa. Sau cùng phụ thêm một mục nói mấy cảnh chùa lớn và cổ ở Bắc-kỳ. Chủ-đích là dùng lời giản-ước và rõ-ràng mà bày tỏ những điều các tín-đồ cần phải biết trong đạo Phật, để tránh khỏi những sự lầm-lẫn về đường tín-ngưỡng.

***

Đức Thích-ca mầu-ni Phật (Cakyamuni) là tị-tổ 10Phật-giáo ở thế-gian này. Ngài giáng thế từ năm nào ? Xưa kia ta theo các kinh Đại-thặng ở bên Tàu, thường cho là Ngài sinh vào ngày mồng 8 tháng tư năm thứ 26 đời vua Chiêu-vương nhà Chu, là vào năm 1027 trước Tây-lịch kỷ-nguyên. Song xem các kinh truyện ở Tây-tạng, thì thấy chép rằng. Phật nhập diệt năm 544 trước Tây-lịch ; ở đảo Tích-lan (Cey-lan), thì chép là năm 546 ; ở Diến-điện, thì chép là vào năm 481. Theo những năm ấy mà tính lên 80 năm về trước, thì Ngài sinh vào quãng năm 624, hay năm 628, hay năm 561 trước Tây-lịch. Đến ngày nay, các nhà khảo-cứu bên Âu-tây và bên Nhật-bản đều công-nhận là Ngài sinh vào khoảng năm 560 trước Tây-lịch, tức là vào đời vua Linh-vương nhà Chu bên Tàu. Còn ngày Phật giáng đản 11, thì thường nhận là ngày mồng tám tháng tư.

Sách Phật-bản-hạnh 佛本行 chép rằng : « Trước khi đức Thích-ca giáng sinh xuống cõi Sa-bà (Sabaloka) là cõi thế-giới ta ở đây, Ngài là Hộ-minh Bồ-tát 護明菩薩 ở trên tầng trời Đâu-suất, là tầng trời thứ tư trong thế-giới. Vì Ngài thấy chúng sinh ở cõi trần, đời đời mắc phải nghiệp-báo luân-hồi, cứ chìm đắm trong bể khổ, Ngài bèn phát nguyện 12 giáng sinh mà độ thế ».

Ngài giáng sinh vào đất trung Ấn-độ làm con vua Tĩnh-phạn (Suddhodana) ở nước Ca-bỉ-la (Kapila-vastu), họ là Cồ-đàm (Gautama), tên là Tất-đạt-đa (Siddharta). Ngài sinh được bảy ngày thì bà thân-mẫu là Ma-gia phu-nhân (Mâvâ) mất.

Tĩnh phạn-vương giao cho bà dì ruột là Ba-xa-ba-đề (Pradjapati) nuôi Ngài.

Sách chép rằng : khi đức Thích ca sinh ra, trong thế-giới có nhiều điềm lạ, như : cả trên trời dưới đất đều rung động, và có ánh sáng chiếu khắp mười phương, cùng là những chuyện như có chín con rồng xuống phun nước tắm cho Ngài, và các thiên thần hòa nhạc tung hoa, v.v… Ngài lại có 32 tướng lạ, đại khái như là ở trên đỉnh đầu có thịt gồ lên, mặt tròn như vành nguyệt, ở dưới trán, chỗ hai lông mày giao với nhau, có nốt thịt gọi là bạch-ngọc-hào, mũi cao, mắt xanh và sáng quắc, miệng rộng, tay dày và dài, ngực đầy đặn có ngấn chữ vạn 卍, v.v…

Vua Tĩnh-phạn triệu một vị tiên đến xem tướng cho Ngài, vị ấy nói rằng : « Ngày sau nếu Ngài không xuất gia đi tu, thì làm một đấng thánh vương cả thiên-hạ, mà nếu xuất gia thì thành Phật ».

Ngày lớn lên, thiên-tư rất là dĩnh-ngộ 13, học gì cũng hiểu hết thảy và lại có sức khỏe khác thường, hàng phục được những kẻ rất mạnh. Vua phong làm Thái-tử và cưới nàng Gia-du-đà-ra 耶輪陀曪 (Yasodhara) cho Ngài, sau sinh ra được người con tên là Ra-hầu-la 侯羅 (Rahula).

Thiên tính Ngài vốn nhân từ, hay thương xót hết thảy mọi loài vật. Khi Ngài mới mười tuổi, một hôm đi theo phụ-vương xem dân làm ruộng, Ngài thấy người nông-phu khó-nhọc vất-vả, con trâu kéo cầy khổ-sở, chỗ đất ruộng cày lên, sâu bọ ngổn-ngang, chim-chóc tranh nhau mổ ăn. Ngài thấy cái cảnh khổ của chúng sinh như thế, lấy làm thương-xót lắm, đi tìm chỗ ngồi một mình mà nghĩ-ngợi. Về sau, khi Ngài đã lớn lên, vào quãng mười chín, hai-mươi tuổi, mấy lần đi ra chơi ngoài cửa thành, lần thì gặp người ốm lọm-khọm, lần thì gặp người có bệnh-tật đau-đớn rền-rĩ, lần thì gặp người chết, thân thích đem đi chôn, kêu gào khóc-lóc. Ngài trông thấy những cảnh khổ của người ta ở đời, rất lấy làm buồn rầu. Lần sau cùng Ngài đi chơi ra ngoài cửa thành gặp người đi tu, hình dáng đoan-trang. Ngài hiểu là chỉ có sự tu-hành mới giải-thoát được mọi sự ưu-bi khổ-não 14 ở trong thế-gian. Từ đó đêm ngày Ngài nghĩ cách xuất gia đi tu đạo.

Vua Tĩnh-phạn biết ý ấy, can ngăn mãi không được, bèn một mặt thì bày ra các trò vui chơi để Ngài khuây-khỏa đi, không nghĩ đến sự đi tu ; một mặt thì xuống lệnh bắt quân lính canh phòng nghiêm-nhặt không cho Ngài đi. Nhưng việc Ngài xuất gia tu đạo là một việc nhân-duyên lớn, đến ngày giờ là Ngài phải đi. Một hôm ở trong cung mở tiệc yến, đàn-địch hát múa đến quá nửa đêm. Mọi người đều đắm-thắm say-sưa, duy chỉ có Ngài là hững-hờ như không. Đến khi tan cuộc, ai nấy về phòng riêng, Ngài đi qua trông thấy những ca-nhi mỹ-nữ khi nãy hương thơm nồng-nàn, sắc đẹp rực-rỡ, bây giờ thấy nằm ngổn-ngang, đầu tóc rũ-rợi, bồ-hôi bồ-hám nhễ-nhại, mùi hôi tanh xông lên, khác nào như một đống thây người chết. Ngài trông thấy thế, thở dài mà than rằng : « Có khác gì một đống thịt thối không ! Sự ảo-vọng vô-thường ghê gớm thay ! » Nói đoạn, đi gọi tên hầu ngựa thân-cận là Xa-nặc 車匿 (Channa) bảo đóng ngựa để trốn đi. Khi sắp ra đi, Ngài ghé qua vào phòng bà Gia-du-đà-ra, mở hé cửa buồng, trông thấy vợ và con đang ngủ, Ngài thở dài mà khép cửa lại, rồi lên ngựa cùng với tên hầu ngựa đi ra ngoài thành. Nhân vì đêm hôm ấy lính canh cửa ngủ say cả, cho nên Ngài mở cửa đi không ai biết. Ra khỏi cửa thành, Ngài phát thệ 15rằng : « Nếu ta không dứt được sự ưu-bi khổ-não và không được cái đạo vô-thượng chính-đẳng chính-giác 16 thì ta không về qua cửa này nữa ».

Ngài đi lên phía bắc, về miền núi Tuyết-sơn đến rừng khổ-hạnh, là nơi có những người đi tu ở đó. Ngài vào đó rồi cho tên hầu ngựa giắt ngựa về, và lấy gươm cắt tóc, cởi áo đổi cho người đi săn, một mình đi tìm các danh-sư tu ở vùng ấy mà hỏi đạo. Bấy giờ Ngài vừa 29 tuổi và từ đó người ta gọi Ngài là Cồ-đàm sa-môn (Cramana Cautama) và sách thì thường chép là Bồ-tát, chứ không gọi tên nữa.

Khi vua Tĩnh-phạn biết Thái-tử đã xuất gia đi tu, liền sai các quan đại-thần đi khuyên Ngài về. Ngài nhất-quyết không về. Vua biết chí Ngài đã không đổi, cho nên không nài ép nữa, bèn sai ngầm bọn Kiều-trần-như 憍陳如 (Kaundinya) năm người đi tu để theo hộ-trì Ngài trong sự tu-hành.

Ngài vào rừng đi tìm những bậc tiên để hỏi đạo. Trước hết Ngài đến hỏi đạo một vị tiên, tên là Bạt-ca-bà 跋迦婆 (Bhargava) tu phép khổ-hạnh, sau Ngài đến hỏi hai vị tiên tên là A-la-ra 阿羅囉 (Alara) và Ca-lam 迦藍 (Kalâma), tu theo học-phái Tăng-kia 僧佉 (Samkhya), sau cùng Ngài đến hỏi đạo vị tiên tên là Uất-đà-ca 鬰陀伽 (Udraka tu theo học phái Du-ca 瑜伽 (Yoga), tức là tu phép thiền-na (Dhyana) của đạo Bà-la-môn. Các vị tiên ấy, ai cũng nói tu để sinh lên cõi trời. Ngài cho những người tu lên cõi trời rồi hết kiếp lại phải luân-hồi, như thế vẫn còn ở trong vòng sinh, bệnh, lão, tử, chưa thật là đạo cứu-cánh 17 giải-thoát. Ngài cùng với bọn Kiều-trần-như đi đến chỗ gần sông Ni-liên-thiền-na 尼連禪那河 (Nairandhana), ngồi tu phép khổ-hạnh, giữ giới nhịn ăn, nhịn mặc, cứ mỗi ngày chỉ ăn cầm hơi một hạt gạo và một hạt kê. Ngài tu như thế trong sáu năm giòng mà vẫn không thấy được đạo. Ngài nghĩ rằng : « Ta tu khổ-hạnh như thế này, mà không thấy rõ đạo, thì cách tu của ta vẫn chưa phải. Ta nên theo con đường giữa, cứ ăn uống như thường, không say mê việc đời mà cũng không khắc khổ hại thân, rồi mới thành được đạo ».

Ngài nghĩ thế, rồi đứng dậy đi xuống sông tắm. Khi ấy có người đàn-bà chăn bò đem bát sữa dâng Ngài. Ngài ăn xong, thấy trong mình khoan-khoái dễ chịu. Bọn Kiều-trần-như thấy Ngài không giữ khổ-hạnh, tưởng Ngài đã thoái chí không tu nữa, đều rủ nhau bỏ đi tu chỗ khác.

Ngài một mình đi đến chỗ có cây ba-la, lấy cỏ làm chiếu mà ngồi, rồi phát nguyện rằng : « Nếu ngồi đây mà không giác-ngộ được đạo chính-đẳng chính-giác, thì quyết không đứng dậy nữa ». Ngài ngồi dưới gốc cây ba-la bốn mươi chín ngày, suy nghĩ các lẽ về sự khổ của chúng sinh và cái căn-do sự biến-hóa vô-thường trong thế-gian.

Kinh chép rằng : « Khi Bồ-tát gần đắc đạo, hào-quang chiếu lên các tầng trời. Ở tầng trời thứ sáu có Ba-tuần Ma-vương (Mara) tức là Tha-hóa Tự-tại-thiên, xưa nay vốn lấy ảo-hóa 18 mà làm mê-hoặc 19chúng sinh, bỗng thấy hào-quang chiếu lên, biết rằng Bồ-tát sắp thành Phật, tất đem chính-đạo truyền ra ở đời, phá tan mất cái lưới mờ-tối của mình, liền sai yêu-nữ xuống cám-dỗ. Ma-vương thấy bọn yêu nữ không làm gì được, tự mình đem binh tướng xuống dùng hết pháp-lực 20 mà đánh phá, cũng không lay chuyển được. Sau cùng Ma-vương đến gần chỗ Bồ-tát ngồi, dùng lời nói ngọt mà dụ rằng : « Nếu Bồ-tát không muốn ở thế-gian, thì lên trên trời, tôi xin nhường ngôi cho Ngài ».

CLICK LINK DOWNLOAD EBOOK TẠI ĐÂY.

 

mua sách giấy ủng hộ tác giả

Tài liệu tham khảo