Bài Viết Liên Quan
Giới thiệu nội dung cuốn sách “Ngôn Ngữ Của Chúa – Những Bằng Chứng Khoa Học Về Đức Tin” của tác giả Francis Sellers Collins:
Ngôn ngữ của Chúa: Một nhà khoa học trình bày chứng cứ cho đức tin (nguyên ngữ tiếng Anh: The Language of God: A Scientist Presents Evidence for Belief) là một tác phẩm của Francis Collins có tên trong bản liệt kê sách bán chạy nhất của tờ New York Times, trong đó ông bày tỏ lập trường ủng hộ thuyết tiến hóa hữu thần. Francis Collins là bác sĩ y khoa và nhà di truyền học người Mỹ, nổi tiếng do những khám phá nổi bật về các loại gen bệnh cũng như khả năng lãnh đạo của ông trong Dự án bản đồ gene người (HGP). Collins hiện đang phục vụ trong cương vị Giám đốc Viện Y tế Hoa Kỳ.
Trong quyển Ngôn ngữ của Chúa, Collins tóm lược những trải nghiệm của mình khi trở nên một tín hữu Cơ Đốc cũng như luận bàn ý niệm về Thiên Chúa trong những lĩnh vực như sinh học, vật lý học vũ trụ, tâm lý học, và các chuyên ngành khác. Ông cũng trưng dẫn nhiều nhà tư tưởng nổi tiếng, nổi trội hơn hết là C. S. Lewis bên cạnh những nhân vật khác như Augustine, Stephen Hawking, Charles Darwin, Theodosius Dobzhansky….
***
Trong lịch sử loài người có những câu hỏi lớn luôn đặt ra như: Nguồn gốc của vũ trụ và loài người là gì? Vũ trụ được hình thành từ một Vụ nổ lớn (Big Bang) hay do bàn tay sắp đặt của một Đấng sáng tạo? Con người hình thành như thế nào? Đâu là yếu tố quyết định khiến con người trở thành tác phẩm hoàn thiện nhất, phát triển nhất trong trường sử tiến hóa của vật chất nói chung và thế giới sinh vật nói riêng?
Qua nhiều thế kỷ, cả khoa học và tôn giáo đều tìm kiếm lời giải đáp cho những câu hỏi đó, và đây cũng là một trong những vấn đề lớn gây ra xung đột giữa hai quan niệm về thế giới. Cuộc xung đột kéo dài cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời xác đáng.
Cuối thế kỷ XX, nhiều nhà khoa học trên thế giới đã tiến hành nghiên cứu lập bản đồ gen người. Bản phác thảo đầy đủ đầu tiên về bản đồ bộ gen người – một trong những sự kiện lớn nhất mang tính đột phá trong lịch sử khoa học nhân loại từ trước tới nay – đã được công bố vào tháng 6 năm 2000. Việc công bố bản đồ bộ gen người mở đường cho các nhà khoa học bắt tay vào tìm hiểu rất nhiều bí ẩn về nguồn gốc sự sống và về chính bản thân con người.
Sau khi hoàn tất thành công dự án nghiên cứu này, Tiến sỹ Francis S. Collins, Giám đốc Dự án Giải mã Gen người, đã viết tác phẩm The Language of God (Ngôn ngữ của Chúa). Trong tác phẩm này, Francis S. Collins đã giải thích thông qua những trải nghiệm bản thân rằng đức tin và khoa học có thể đồng thời cùng tồn tại, thống nhất với nhau và bổ sung cho nhau. Cuốn sách lập luận rằng, đức tin vào một Đức Chúa vượt ngoài giới hạn không gian và thời gian nên cùng tồn tại với các học thuyết khoa học về thế giới bao gồm cả thuyết tiến hóa. Ông lý giải và đưa ra giải pháp để thống nhất khoa học và tôn giáo trong việc giải thích nguồn gốc loài người và cho rằng mã gen ADN chính là “cuốn sách chỉ dẫn của Chúa”.
Nhận thấy vị trí và tầm vóc của tác phẩm này, Alpha Books đã lựa chọn dịch và xuất bản ở Việt Nam. Là một tác phẩm về chủ đề rất khó, đề cập đến nhiều khái niệm khoa học và tôn giáo của một học giả hàng đầu thế giới, nên Ngôn ngữ của Chúa hẳn là tác phẩm không dễ dịch và không dễ đọc, nhưng cũng rất cuốn hút, mang lại nhiều tri thức, quan điểm mới mẻ.
Xin trân trọng giới thiệu với độc giả và mong nhận được những đóng góp, phê bình.
NGUYỄN CẢNH BÌNH
***
Vào một ngày mùa hè ấm áp cách thiên niên kỷ mới chừng sáu tháng (tức là tháng 6/2000 – ND), nhân loại đã bước qua chiếc cầu tiến vào một kỷ nguyên mới vô cùng quan trọng. Một thông báo được truyền đi khắp thế giới với hàng tít đậm hầu như trên tất cả các tờ báo lớn về việc các nhà khoa học đã có trong tay bản phác thảo đầu tiên về hệ gen, cuốn sách chỉ dẫn về chính loài người.
Bộ gen người chứa toàn bộ các ADN, mã số di truyền của sự sống. Phiên bản mới được phát hiện này dài ba tỷ ký tự hóa học và được viết dưới dạng mật mã gồm bốn ký tự rất kỳ lạ. Kỳ lạ là ở chỗ thông tin mang trong mỗi tế bào của cơ thể người phức tạp đến mức ngay cả khi đọc liên tục suốt ngày đêm với tốc độ một chữ/giây thì vẫn phải mất tới 31 năm mới có thể đọc hết mã số đó. Nếu in những ký tự này trên giấy với kích cỡ thông thường và đóng chúng lại thành sách, ta sẽ có một toà tháp cao ngang với tượng đài Washington. Buổi sáng mùa hè năm đó, lần đầu tiên, bản phác thảo đáng kinh ngạc chứa trong đó tất cả những chỉ dẫn về sự hình thành loài người, đã được cả nhân loại biết đến.
Là giám đốc Dự án Giải mã Gen người và đã dày công nghiên cứu hơn chục năm trời nhằm tìm ra trình tự ADN, tôi đứng cạnh Tổng thống Bill Clinton trong gian phòng phía Đông của Nhà Trắng cùng với Craig Venter, lãnh đạo dự án nghiên cứu của tư nhân đang cạnh tranh cùng dự án của chúng tôi . Thủ tướng Anh Tony Blair đã kết nối trực tiếp qua vệ tinh để theo dõi sự kiện này và hoạt động kỷ niệm cũng diễn ra đồng thời ở rất nhiều địa điểm khác trên thế giới.
Tổng thống Clinton bắt đầu bài phát biểu với việc so sánh bản đồ gen người mới được phát hiện này với bản đồ mà Meriwether Lewis đã công bố trước Tổng thống Thomas Jeffeson tại chính gian phòng này cách đây gần hai trăm năm. Tổng thống Clinton nói, “Không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là tấm bản đồ quan trọng và kỳ diệu nhất mà nhân loại từng khám phá”. Nhưng đoạn văn thu hút sự chú ý nhiều nhất của công chúng chính là khi ông chuyển từ khía cạnh khoa học sang tâm linh: “Ngày hôm nay, chúng ta được hiểu về loại ngôn ngữ mà Chúa đã sử dụng để sáng tạo nên Sự sống. Hơn bao giờ hết, chúng ta nghiêng mình trước sự phức tạp, trước vẻ đẹp và sự diệu kỳ của món quà thần thánh nhất, thiêng liêng nhất của Người”.
Liệu tôi, một nhà khoa học được đào tạo bài bản, có sửng sốt khi nghe vị lãnh đạo thế giới đề cập rõ ràng nhất tới tôn giáo vào một thời điểm như thế hay không? Tôi có tức giận hay bối rối nhìn xuống sàn nhà không? Không, không một chút giận dữ hay bối rối nào cả. Thực ra, tôi đã cộng tác chặt chẽ với người viết bài phát biểu cho Tổng thống trong những ngày bề bộn công việc trước khi có lễ công bố này và tôi hoàn toàn ủng hộ kết luận của bài diễn văn đó. Khi tới lượt mình phát biểu, tôi đã lặp lại ý kiến của Tổng thống với những lời như thế này: “Hôm nay là một ngày hạnh phúc của toàn thế giới. Riêng với tôi, thật tuyệt vời và đáng kinh ngạc khi biết rằng lần đầu tiên chúng ta đọc được cuốn sách chỉ dẫn về chính bản thân mình, cuốn sách mà trước đó duy chỉ có Chúa biết đến”.
Chuyện gì đang diễn ra ở đây? Tại sao một vị Tổng thống và một nhà khoa học, những người chịu trách nhiệm tuyên bố một bước ngoặt trọng đại trong lịch sử y học và sinh học, lại cảm thấy cần thiết phải đề cập tới mối liên hệ với Chúa? Chẳng phải từ trước tới nay các quan điểm khoa học và tâm linh thường đối chọi với nhau hay sao, hay ít nhất cũng nên tránh cùng xuất hiện tại gian phòng phía Đông này chứ? Đâu là lý do của việc đề cập tới Chúa trong cả hai lời phát biểu này? Để thêm phần thi vị chăng? Đạo đức giả chăng? Có phải đây là toan tính để lấy lòng những người theo tôn giáo hay để làm tiêu tan nghi ngờ của những người chỉ trích việc nghiên cứu bộ gen người khiến con người biến thành các cỗ máy? Không. Đó không phải là mục đích của tôi. Trái lại, với tôi, trải nghiệm của việc sắp xếp trình tự gen người và khám phá ra bí mật đáng lưu tâm nhất trong tất cả này, vừa là một thành tựu đáng kinh ngạc của khoa học, vừa là dịp thể hiện tình yêu với Chúa.
Rất nhiều người có thể thấy hoang mang trước những lời phát biểu này, bởi họ thường cho rằng một nhà khoa học thực thụ khó có thể đồng thời là người có đức tin sâu sắc vào sự tồn tại của một Đức Chúa tối cao. Cuốn sách này nhằm bãi bỏ quan niệm đó bằng việc thuyết phục mọi người rằng, tin vào Chúa là một sự lựa chọn hoàn toàn lý trí và rằng, trong thực tế, các nguyên lý của đức tin lại bổ sung cho các nguyên lý của khoa học.
Trong thời hiện đại, rất nhiều người cho rằng khoa học và tôn giáo khó có thể hòa hợp. Với họ, điều đó chẳng khác gì việc ép hai cực của một thanh nam châm phải gặp nhau tại một điểm. Tuy nhiên, mặc dù định kiến này vẫn luôn tồn tại nhưng rất nhiều người Mỹ dường như thích kết hợp giá trị của cả hai quan điểm trên vào cuộc sống thường nhật của mình. Những cuộc thăm dò gần đây cho thấy 93% người Mỹ thừa nhận họ có niềm tin dành cho Chúa. Vậy mà hầu hết họ đều là những người biết lái xe, sử dụng điện và quan tâm tới các bản tin thời tiết. Họ cũng quan niệm rất rõ ràng rằng, khoa học nào nghiên cứu về những hiện tượng này, nhìn chung là đáng tin cậy.
Thế còn niềm tin tâm linh của các nhà khoa học thì sao? Thực tế cho thấy, số lượng những nhà khoa học có niềm tin này lớn hơn so với nhiều người vẫn nghĩ. Năm 1916, một cuộc nghiên cứu đưa ra câu hỏi cho các nhà sinh học, vật lý học và toán học: Liệu họ có tin vào một Đức Chúa, người chủ động giao tiếp với loài người hay không và họ sẽ cầu nguyện ai khi muốn có một câu trả lời. Khoảng 40% số người được hỏi đã trả lời có và sẽ cầu nguyện Chúa. Vào năm 1997, một cuộc khảo sát tương tự cũng đặt ra câu hỏi y hệt và các nhà nghiên cứu đã thực sự ngạc nhiên khi thấy tỷ lệ đó hầu như không thay đổi.
Vì vậy, có vẻ như “cuộc chiến” giữa khoa học và tôn giáo không nằm ở hai thái cực như nhiều người vẫn nghĩ. Thật không may, bằng chứng về sự hòa hợp có thể tồn tại giữa khoa học và tôn giáo lại thường bị che mờ bởi những tuyên bố có sức ảnh hưởng lớn từ những người đứng đầu hai thái cực. Chẳng hạn, để khiến 40% những người có đức tin ngừng tin tưởng, nhà nghiên cứu về tiến hóa học xuất chúng Richard Dawkins đã xuất hiện với vai trò người phát ngôn hàng đầu ủng hộ quan điểm rằng niềm tin vào thuyết tiến hóa đòi hỏi phải có sự vô thần. Một trong số những lời phát biểu đáng ngạc nhiên của ông là: “Đức tin chính là một lời bào chữa vĩ đại, một sự chối bỏ trách nhiệm để không phải suy nghĩ hay đánh giá một sự việc. Đức tin chính là niềm tin bất chấp hoặc thậm chí có thể vì… thiếu bằng chứng. Đức tin, khi là sự tin tưởng không dựa trên cơ sở thực tế, chính là tội lỗi lớn nhất của bất kỳ tôn giáo nào”.
Trong khi đó, những người theo các tôn giáo chính thống lại phản bác lại khoa học bằng việc nói rằng, chính khoa học mới nguy hiểm và không đáng tin cậy, đồng thời chỉ ra rằng chỉ có các kinh sách mới đáng tin cậy trong việc khám phá sự thật khoa học. Một trong số những người thuộc cộng đồng này là Henry Morris , nhà lãnh đạo đã quá cố thuộc phong trào của những người theo thuyết Sáng tạo luận. Ông đã từng phát biểu rằng “Thuyết tiến hóa giả dối đã lan tỏa và thống trị mọi lĩnh vực trong lối tư duy hiện đại. Khi điều đó trở thành hiện thực, chắc chắn nó sẽ dẫn tới một hệ quả không thể tránh khỏi, đó là tư tưởng tiến hóa, về cơ bản sẽ là căn nguyên cho những diễn biến chính trị đáng lo ngại và sự tan rã về mặt xã hội, đạo đức vốn đã và đang diễn ra mạnh mẽ khắp mọi nơi… Khi khoa học và tôn giáo bất đồng với nhau, rõ ràng khoa học đã giải thích sai những dữ kiện của nó”.
Những tuyên bố tương phản ngày càng tăng khiến cho nhiều người cảm thấy hoang mang và thất vọng. Những người nhạy cảm hiểu rằng, họ bị ép buộc phải lựa chọn giữa hai thái cực không lý thú chút nào, không có cái nào trong số hai thái cực đó đem lại nhiều hứng khởi hay thoải mái hơn. Thất vọng vì cả hai quan điểm đều rất cứng nhắc và cố hữu, rất nhiều người đã quyết định chối bỏ cả sự đáng tin cậy của những kết luận khoa học lẫn những giá trị của tôn giáo. Thay vào đó, họ bị rơi vào rất nhiều trạng thái khác nhau đó là hoặc tư duy chống lại khoa học hoặc hời hợt về mặt tâm linh hoặc đơn giản là thờ ơ với mọi thứ. Nhiều người khác lại quyết định chấp nhận giá trị của cả khoa học và tâm linh, nhưng chia chúng thành từng ngăn riêng biệt, phần dành cho tâm linh, phần dành cho vật chất để tránh không phải bận tâm về bất cứ xung đột nào có thể xảy ra. Cũng theo con đường này, nhà sinh học Stephen Jay Gould đã ủng hộ quan điểm cho rằng, khoa học và niềm tin nên tách rời – “thẩm quyền không chồng chéo”. Nhưng bản thân điều này đã có phần chưa thỏa đáng. Nó khơi sâu thêm xung đột nội tại và tước đi cơ hội giúp con người nhận ra rằng, có thể có con đường chung cho cả khoa học và tâm linh.
Vì vậy, câu hỏi trọng tâm cho cả cuốn sách này chính là: liệu có thể có cơ hội cho sự hòa hợp giữa những quan điểm của giới khoa học và giới tâm linh khiến cả hai đều cảm thấy hoàn toàn hài lòng trong kỷ nguyên mới của vũ trụ học, của sự tiến hóa và của hệ gen người hay không? Tôi xin trả lời với một từ “Có” rõ ràng. Cá nhân tôi cho rằng, không hề có xung đột nào giữa một nhà khoa học thực thụ với một người đặt đức tin vào Chúa, Đấng chăm sóc tới từng cá nhân chúng ta. Lĩnh vực hoạt động chính của khoa học là để khám phá ra tự nhiên. Còn lĩnh vực hoạt động chính của Chúa là trong thế giới tâm linh, một thế giới hoàn toàn không thể khám phá bằng các công cụ hay ngôn ngữ của khoa học. Chúng ta cần phải kiểm nghiệm điều đó bằng trái tim, trí óc và linh hồn – và trí óc phải tìm ra cách để hài hòa cả hai lĩnh vực này.
Tôi muốn nói với các bạn rằng, những quan điểm này không những có thể cùng tồn tại trong một con người mà còn có thể tồn tại theo cách thức cùng làm sáng tỏ và phong phú thêm trải nghiệm của con người. Khoa học là cách duy nhất đáng tin cậy để hiểu về thế giới tự nhiên và, khi các công cụ của nó được sử dụng hợp lý, chúng ta sẽ có được hiểu biết sâu sắc về sự tồn tại của vật chất. Nhưng, khoa học không thể trả lời được những câu hỏi như: “Tại sao vũ trụ lại xuất hiện?”, “Sự tồn tại của con người có ý nghĩa gì?”, “Chuyện gì sẽ xảy ra sau khi chúng ta chết?”. Một trong những động lực mạnh mẽ nhất của con người chính là tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi lớn này và chúng ta cần kết hợp sức mạnh của cả khoa học và tôn giáo mới có thể thấu hiểu được những điều nhìn thấy và không thể nhìn thấy. Mục đích của cuốn sách này là giúp chúng ta khám phá ra con đường hướng tới sự kết hợp đích thực những quan điểm này một cách nghiêm túc và trung thực về mặt trí tuệ.
Chúng ta có thể cảm thấy lo lắng khi nghĩ về những vấn đề hệ trọng. Dù có gọi tên nó ra hay không thì tất cả chúng ta đều đã đi đến một cách nhìn nhận nhất định. Nó giúp chúng ta hiểu về thế giới xung quanh mình, tạo cho chúng ta một khuôn mẫu đạo đức, định hướng cho những quyết định của chúng ta về tương lai. Bất kỳ ai có thể tạo nên một sự thay đổi nhỏ đối với cách nhìn nhận đó đều không nên làm một cách hời hợt. Một cuốn sách dám thách thức những gì thuộc về truyền thống sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn là thuận lợi. Nhưng, trong sâu thẳm mỗi con người chúng ta đều tiềm ẩn lòng khao khát tìm ra sự thực, cho dù niềm mong muốn đó có thể dễ dàng bị chìm lấp trong bộn bề công việc thường ngày của cuộc sống. Những sao lãng đó kết hợp với mong muốn tránh nghĩ tới cái chết khiến cho nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí cả nhiều năm trôi qua dễ dàng; khiến chúng ta không còn thời gian suy nghĩ nghiêm túc về những câu hỏi ngàn đời về sự tồn tại của loài người. Cuốn sách này chỉ là một liệu pháp nhỏ cho bối cảnh đó, nhưng hy vọng có thể giúp mỗi người tự suy ngẫm và nuôi dưỡng niềm mong muốn khám phá những điều sâu xa hơn.
Trước hết, tôi xin giải thích, làm thế nào một nhà khoa học nghiên cứu về di truyền lại trở thành người đặt đức tin vào Chúa, Đấng vô hạn về không gian, về thời gian và Người quan tâm tới toàn thể nhân loại. Ai đó có thể sẽ cho rằng, điều này chắc hẳn là do tôi được dạy dỗ về tôn giáo ngay từ khi còn tấm bé và thấm nhuần tất cả những điều đó từ truyền thống văn hóa và gia đình. Vì vậy, sau này, dứt khoát không thể nào tôi lại không như vậy. Nhưng đó không thực sự là câu chuyện của tôi.
FRANCIS S. COLLINS
CLICK LINK DOWNLOAD EBOOK TẠI ĐÂY.