Bài Viết Liên Quan
Quyển “Đại Cương Lịch Sử Phật Giáo Thế Giới” mà quý độc giả hiện có trong tay do Andrew Skilton tức Đại đức Dharmacari Sthiramati biên soạn bằng Anh ngữ, được Tu sĩ Nguyễn Văn Sáu dịch ra tiếng Việt, giới thiệu một cách bao quát về sự phát triển của Phật giáo ở Ấn Độ và các nước trên thế giới. Trong tựa đề nguyên tác, tác giả chỉ ghi là “Đại Cương Lịch Sử Phật Giáo” (A Concise History Of Buddhism) nhưng tựa đề bản dịch tiếng Việt ghi thêm từ “Thế Giới” có lẽ vì dịch giả nhận thấy một phần ba số trang của quyển sách đề cập đến sự du nhập và phát triển của Phật giáo ở các nước châu Á nói riêng và thế giới nói chung.
Hiện nay, có ít nhất ba quyển sách giới thiệu về Phật Giáo Thế Giới:
Quyển thứ nhất có tựa đề là “2500 Năm Phật Giáo” (2500 Years of Buddhism) dày hơn 400 trang, do một tập thể tác giả biên soạn dưới sự chủ biên của giáo sư P.V. Bapat, được bộ Thông Tin và Tuyên Truyền của Chính phủ Ấn Độ xuất bản lần đầu vào năm 1956, được Nguyễn Đức Tư và Hữu Song dịch ra tiếng Việt và NXB Văn Hóa Thông Tin xuất bản năm 2002. Mặc dù, tựa đề tác phẩm đề cập đến chiều dài 2500 năm của Phật giáo, nội dung của tác phẩm lại nhấn mạnh đến việc giới thiệu các phương diện khác nhau của Phật giáo như văn học Phật giáo, nền giáo dục Phật giáo, nghệ thuật Phật giáo, thánh địa Phật giáo, tín đồ Phật giáo, các công trình nghiên cứu về Phật giáo; dĩ nhiên cũng có chương giới thiệu về nguồn gốc của đạo Phật, bốn thời kỳ biên tập Kinh điển Phật giáo, các trường phái Phật giáo. Cách tiếp cận học đường như vậy tuy phong phú nhưng lại khó giúp cho độc giả nắm bắt được tiến trình phát triển của Phật giáo trải qua chiều dài lịch sử mấy ngàn năm ở khắp năm châu và bốn biển.
Quyển thứ hai là quyển “Phật Giáo Khắp Thế Giới” (gần 500 trang) của Đại đức Thích Nguyên Tạng biên soạn và xuất bản tại châu Úc vào năm 2001. Tác phẩm này thực ra là tuyển tập các bài biên dịch bao quát của tác giả đăng tải trên báo và nguyệt san Giác Ngộ từ năm 1990 đến 2001 (dĩ nhiên đã đưa lên trang nhà Đạo Phật Ngày Nay, http://buddhismtoday.com và trang nhà Quảng Đức, http://quangduc.com) về ba phương diện: a) xứ sở Phật giáo, b) nhân vật Phật giáo và c) các sự kiện Phật giáo khắp thế giới. Quyển sách nhấn mạnh đến sự ra đời và phát triển của Phật giáo ở 20 nước thuộc châu Âu, châu Mỹ và châu Úc, bên cạnh Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Triều Tiên, Thái Lan. Đóng góp chính của tác phẩm này là ở chỗ ngoài 20 nước có sự hiện diện của Phật giáo, còn giới thiệu các tổ chức, hội đoàn, các nhân vật Phật giáo nổi tiếng và các sự kiện Phật giáo quan trọng xảy ra trong suốt quá trình mà Phật giáo đã du nhập vào các nước có nền văn minh hoàn toàn xa lạ với đạo Phật.
Quyển thứ ba là quyển “Phật Giáo Việt Nam và Phật Giáo Thế Giới” của cư sĩ Nhất Tâm và Thiền sư Đinh Lực biên soạn và được NXB Văn Hóa Thông Tin ấn hành vào năm 2003. Phần lịch sử Phật giáo gồm 200 trang, trong khi phần giới thiệu về Thiền và Phật giáo chiếm hơn 400 trang. Điều rất ngạc nhiên là cư sĩ Nhất Tâm đã copy (?) nguyên xi toàn bộ phần này của Đại đức Thích Nguyên Tạng, với vài thay đổi nhỏ về cách xếp thứ tự của các nước Phật giáo trong mục lục, mà không nói rõ xuất xứ trong lời nói đầu, làm cho người đọc có cảm giác cư sĩ Nhất Tâm chính là tác giả của phần này, thay vì Đại đức Thích Nguyên Tạng!
Sở dĩ chúng tôi điểm qua ba quyển sách trên là vì nhờ so sánh với bố cục của chúng mà chúng ta thấy được sự đóng góp của tác giả Andrew Skilton trong tác phẩm của mình.
Tác giả đã dành hai phần ba sách giới thiệu về Phật giáo của Ấn Độ, vì đây là cái nôi đã khai sinh ra đạo Phật. Trong phần này, tác giả giới thiệu bối cảnh Ấn Độ cổ đại trước khi Phật giáo ra đời để giúp cho độc giả thấy được sự đóng góp to lớn của đức Phật cho lịch sử tôn giáo và văn minh Ấn Độ nói riêng và Ấn Độ nói chung. Tác giả đã trình bày một đức Phật lịch sử, với những lời dạy về đạo đức và trí tuệ rất đặc sắc, loại bỏ các yếu tố thần quyền và huyền thoại. Con đường hoằng pháp của Phật, giáo đoàn đầu tiên của Ngài, sự phân chia giáo phái Phật giáo do bất đồng về quan niệm Giới luật, học thuyết và phương thức hành trì, các đại hội biên tập Kinh điển, ba kho tàng kinh sách Phật giáo v.v… đã được tác giả trình bày rất cô động và rõ ràng. Các trường phái chính của Phật giáo Đại thừa hay còn gọi là Phật giáo phát triển, như Trung Quán Tông (Madhyamaka), Duy Thức Tông (Yogācāra) và Mật Tông (Tantric Buddhism) cũng như một số học thuyết quan trọng của Phật giáo Đại thừa đã được tác giả trình bày rất khách quan và nghiêm túc. Nguyên nhân của sự suy tàn Phật giáo tại Ấn Độ cũng là mối quan tâm của tác giả, vì nó giúp cho các giáo hội Phật giáo ngày nay tránh được vết xe lịch sử.
Riêng về phần Phật giáo ở ngoài Ấn Độ, tác giả chỉ giới thiệu các nước thuộc châu Á như Nepal, Tích Lan, Miến Điện, Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam, Tây Tạng, Mông Cổ, Ba Tư (nay là Iran) và vài nước Trung Á. Sự du nhập và tương tác của Phật giáo trong các nền văn hóa châu Âu, châu Mỹ, châu Phi và châu Úc lẽ ra là phần mà tác giả nên chú trọng tương đương với các nước châu Á, lại không được đề cập đến. Có lẽ chủ ý của tác giả là nhằm giới thiệu các hình thái của đạo Phật ở châu Á cho người phương Tây, hơn là sự xuất hiện quá mới mẻ của Phật giáo ở các xứ sở của họ.
Riêng về bản dịch, Đại đức Thiện Minh đã để nguyên nhân danh và địa danh có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài, theo mặc ước học đường. Tên của các tác phẩm, dịch giả cũng giữ nguyên nguyên bản. Đối với độc giả Việt Nam có thói quen đọc nhân danh, địa danh nước ngoài theo phiên âm Hán Việt, dịch giả nên chua phần phiên âm và dịch nghĩa được sử dụng quen thuộc trong các sách Phật học từ trước đến giờ, để độc giả khỏi ngỡ ngàng khi gặp các từ nước ngoài.
Tác phẩm này được xem như một quyển sổ tay cho các du khách Việt Nam có thể tự mình cất bước trên cuộc hành trình tìm về quê hương của Phật giáo cũng như những nước mà giáo lý Phật giáo đã trở thành một phần văn hóa tinh thần của người địa phương. Nhờ cuộc tự hành trình không mạo hiểm nhưng đầy thú vị của quyển sách này, quý độc giả sẽ thấy được tính thích ứng của Phật giáo ở mọi thời và mọi nơi, không giới hạn trong quốc gia, sắc tộc hay tôn giáo.
Phật giáo lúc đầu xuất hiện như một “viếng sáng châu Á” nhưng dần dần đã trở thành ánh đạo vàng của Đông Tây, hiện hữu ở mọi châu lục, đáp ứng được nhu cầu cao cấp của đời sống tâm linh của nhân loại, không lệ thuộc vào thần quyền, tha lực, nhưng đặt nặng sự chuyển hóa tâm tư bằng những nỗ lực tự thân như thiền định, đời sống đạo đức và nhận thức tuệ giác.
Vấn đề chính yếu của người Phật tử Việt Nam không phải là làm thế nào để truyền bá Phật giáo sâu rộng ở các nước phương Tây, mà là làm thế nào để Phật giáo Việt Nam có lịch sử trên dưới 2000 năm tại đất nước con Rồng cháu Tiên. Hy vọng rằng quyển Đại Cương Lịch Sử Phật Giáo Thế Giới sẽ giúp độc giả Việt Nam nhìn thấy được các thành tựu ngoạn mục của Phật giáo ở Âu Mỹ trong vòng 200 năm để nhìn lại chính mình đã, đang và sẽ làm gì cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam, trong bối cảnh của cuộc cách mạng tin học hiện nay.
CLICK LINK DOWNLOAD EBOOK TẠI ĐÂY.